Nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn trong nuôi tôm công nghiệp
Trong nuôi tôm, chi phí thức ăn chiếm ít nhất 50%. Do đó, việc tăng hiệu quả sử dụng thức ăn là rất quan trọng để giảm chi phí và cải thiện lợi ích kinh tế cho người nuôi.
Kiểm soát môi trường trong ao nuôi tôm
Nước là môi trường sống của tôm, nếu môi trường nước bị thay đổi thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng sinh lý, khả năng bắt mồi của tôm … làm giảm khả năng tiêu thụ thức ăn ảnh hưởng đến sự chuyển hóa thức ăn từ đó làm tăng FCR.
Yếu tố quan trọng nhất trong quản lý môi trường nước nuôi đó là giữ cho hàm lượng oxy hòa tan trong nước ao đáp ứng nhu cầu của tôm. Đối với tôm, nhu cầu oxy cần cao hơn 4 mg/l. Oxy hòa tan trong ao thấp ảnh hưởng đến quá trình hô hấp, tôm hô hấp kém, cung cấp oxy không đủ cho quá trình tiêu hóa thức ăn dẫn để tiêu hóa kém làm FCR tăng.
Ngoài ra, nhiệt độ là một trong những yếu tố môi trường tác động nhiều đến đời sống của tôm, gắn liền với hoạt động sinh lý, sinh thái và nhu cầu dinh dưỡng của tôm. Nhiệt độ thích hợp cho tôm nằm trong khoảng 28 - 30oC, khi nhiệt độ giảm đi khoảng 2oC thì nên giảm 30 - 50% lượng thức ăn hàng ngày và tùy theo khả năng bắt mồi của tôm mà điều chỉnh lượng thức ăn sau khi nhiệt độ nước ổn định.
Bên cạnh đó, nếu ao quá bẩn, tôm có thể bị đóng rong, vi khuẩn phát triển ảnh hưởng hệ tiêu hóa của tôm dẫn đến tôm bệnh, ăn kém, chậm lớn, bỏ ăn, chết hàng loạt. Vì vậy người nuôi phải quản lý môi trường nước thật tốt: định kỳ bổ sung vi sinh để xử lý đáy ao, phân hủy thức ăn dư thừa, phân tôm… Ngoài ra, cần ổn định các chỉ tiêu pH, nông độ oxy hòa tan, độ kiềm, và diệt khuẩn định kỳ cho ao tôm. Từ đó, giúp môi trường ao nuôi luôn ổn định, phù hợp cho tôm phát triển.
Quản lý chất lượng thức ăn nuôi tôm
Thức ăn tôm có nhiều bụi, chất lượng kém, độ kết dính kém hoặc viên thức ăn quá cứng, tôm ăn vào khó tiêu hóa làm hao phí, thất thoát ra ngoài môi trường cũng làm FCR tăng lên, giảm hiệu quả kinh tế.
Vì vậy, để thức ăn có chất lượng giúp tôm tiêu hóa tốt và đạt hiệu quả cao, thức ăn cần đạt được những tiêu chí sau: Đồng đều về kích thước, hình dạng và màu sắc, ít bụi, bề ngoài mịn, có mùi thơm hấp dẫn, không rã trong nước sau 2 giờ, không chứa tạp chất, nấm mốc, ẩm ướt… thức ăn phải thu hút tôm bắt mồi.
Không nên cho ăn quá muộn vì càng về chiều hay tối thì oxy càng giảm dẫn đến tình trạng thiếu oxy làm tôm tiêu hóa thức ăn không hiệu quả. Vì vậy, cần chọn thời điểm cho ăn thích hợp, lúc hàm lượng oxy hòa tan cao, ngoài ra cũng cần định kỳ xiphong ao để gom bỏ chất thải của tôm, thức ăn dừ thừa ở đáy ao để ổn định nước ao. Sử dụng thiết bị sục khí trong khu vực cho ăn để cung cấp oxy hòa tan liên tục và ổn định, giúp duy trì sự thèm ăn tôm từ đó cải thiện khả năng tiêu hóa thức ăn.
Bên cạnh đó, để lượng thức ăn được sử dụng hiệu quả, người nuôi nên chia nhỏ lượng thức ăn thành nhiều lần ăn trong ngày (6 - 7 lần/ngày) hoặc các hộ có đủ điều kiện nên lắp đặt hệ thống máy cho ăn tự động.
Cải thiện đường ruột tôm
Đường ruột tôm là cơ quan quan trọng nhất cho việc tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng và chuyển hóa thức ăn thành thịt tôm. Do đó, người nuôi cần theo dõi và quan sát đường ruột của tôm, ngoài ra cũng nên bổ sung định kỳ men tiêu hóa để giúp đường ruột tôm ổn định.
Trong quá trình nuôi tôm, việc bổ sung men vi sinh đường ruột như dòng vi khuẩn B. subtilis, chiết xuất nấm men có thể bảo vệ ruột tôm, giúp duy trì chức năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn của ruột giúp chuyển đổi thức ăn tốt nhất và làm giảm hệ số FCR.
Có thể trộn men vi sinh vào thức ăn cho tôm, ngoài ra cũng nên bổ sung Vitamin C để giúp tăng sức đề kháng trên tôm, loại bỏ các vi khuẩn gây hại, giúp tôm bắt mồi mạnh và tiêu hóa chuyển đổi thức ăn cao làm giảm FCR, tạo lợi nhuận cho người nuôi. Men tiêu hóa hay vitamin nên trộn vào trước 60 - 90 phút trước khi cho tôm ăn để chúng được bám chặt vào viên thức ăn và tôm được hấp thu tối đa.
Theo Thái Thuận - Tạp chí con tôm
Xem thêm