icon icon icon
Giờ làm việc: Từ 08h00 đến 20h00 (Cả thứ 7 và Chủ Nhật) Từ 08h00 đến 20h00

NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH XỬ LÝ PHÈN TRONG AO NUÔI TÔM

Đăng bởi Tuyết Anh vào lúc 25/01/2022

Đối với người nuôi tôm đặc biệt là các hộ nuôi ao đất, vấn đề ao bị nhiễm phèn luôn là nỗi lo đối với bà con. Thông thường đối với vùng bị nhiễm phèn thì rất khó để xử lý triệt để và gây ảnh hưởng đến tôm như khó lột xác, chậm lớn, tôm lờ đờ tấp mé,...Do đó xin mời bà con cùng tìm hiểu về những nguyên nhân và biện pháp phòng tránh để hạn chế mức thấp nhất phèn xuất hiện trong ao nuôi.

Ao nuôi tôm bị nhiễm phèn do nguyên nhân nào.

- Ở các ao nuôi tôm là ao đất, khi người nuôi đào ao tại những vùng đất phèn tiềm tàng. Hàm lượng sunphat trong đất khá cao, ở điều kiện yếm khí vi sinh vật hoạt động mạnh sẽ giải phóng lưu huỳnh. Lưu huỳnh tạo thành này sẽ kết hợp với sắt có trong trầm tích để tạo thành FeS2 (khoáng pyrit).

- Khi tiếp xúc với không khí, pyrite trong đất ẩm bị oxy hóa hình thành các oxít sắt và axít sulfuric. Axít sulfuric làm tan sắt và kim loại nặng trong đất như nhôm, kẽm, mangan, đồng từ đất. Kết quả là đất bị chua, nước có pH thấp (gọi là đất nhiễm phèn) và chứa các kim loại độc hại vượt quá ngưỡng chịu đựng của tôm nuôi.

- Một trong những nguyên nhân khác thường khiến ao tôm bị phèn là khi đào ao người dân thường sử dụng các lớp đất đáy dưới ao để đắp bờ, nếu trong lớp đất này có FeS2, phơi trong không khí sẽ tạo ra lượng phèn đáng kể. Mưa lớn kéo dài làm rửa trôi phèn trên bờ xuống ao. 

- Đối với những ao nuôi lót bạt, trường hợp không vá bạt kỹ sau mỗi vụ nuôi cũng dẫn đến tình trạng bị xì phèn nếu vùng đất có phèn tiềm tàng.

- Thông thường, tôm bị hao hụt giai đoạn từ 25-35 ngày tuổi đều có ảnh hưởng của phèn. Lúc này tôm bắt mồi mạnh, tôm đào xới đáy ao làm xì phèn từ đáy ao lên. Ảnh hưởng trực tiếp đến gan ruột của tôm.

ao tôm bị nhiễm phèn

Ao tôm bị nhiễm phèn

Biểu hiện của tôm khi nước ao bị nhiễm phèn.

- Khi ao nuôi nhiễm phèn tạo ra môi trường acid làm ngăn cản quá trình hoạt hóa enzyme trong cơ thể, dẫn đến tình trạng tôm bị chậm lớn. Bên cạnh đó, hợp chất Hemoglobin trong máu bị giảm khả năng gắn kết với oxy, làm cho quá trình hô hấp của tôm tốn nhiều năng lượng. Tôm sinh trưởng chậm ảnh hưởng đến năng suất nuôi.

- Việc phơi đáy ao ở những vùng có đất bị nhiễm phèn nặng dễ xuất hiện lớp phèn sắt vàng phủ khắp đáy ao. Điều này dẫn đến chua làm tôm chậm phát triển, tôm khó lột xác, lột xác bị dính vỏ, phiêu sinh vật phát triển kém làm thiếu nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm. Trường hợp, khi phèn nhiều làm cản trở quá trình hô hấp vì hợp chất phèn lơ lửng sẽ bám vào mang tôm, có thể dẫn đến tình trạng tôm dạt bờ, tấp mé.

- Sau những trận mưa kéo dài phèn trên bờ bị rửa trôi xuống ao, tôm sẽ bắt đầu bỏ ăn, môi trường ao nuôi bị biến động, đặc biệt là giảm độ pH của nước ao.

- Ao nuôi bị nhiễm phèn làm màu nước ao nuôi bị biến động do tảo khó phát triển.

Chân tôm bị đóng phèn

Những biện pháp phòng tránh ao nuôi bị nhiễm phèn

- Bón vôi vào buổi chiều mát, để giảm phèn, tăng pH ao nuôi.

- Trước khi trời mưa nên rải vôi quanh bờ ao tránh hiện tượng phèn xì trên bờ bị rửa trôi xuống ao nuôi, ảnh hưởng đến pH ao bị giảm đột ngột. Sau mưa nên kiểm tra lại yếu tố môi trường trong ao tôm để điều chỉnh lại cho phù hợp.

- Biện pháp sử dụng vi sinh để hỗ trợ hạ phèn cũng được nhiều người dân hiện nay đang áp dụng, vì tiết kiệm được chi phí, an toàn cho tôm nuôi và đạt hiệu quả cao. Trong vi sinh có chứa một số loại vi khuẩn có khả năng phân hủy phèn.

 - Đối với ao bạt thì cần kiểm tra, vá bạt kỹ trước khi thả nuôi, tránh hiện tượng bị xì phèn từ dưới đáy bạt.

 - Đối với cải tạo ao đất trước khi thả nuôi chỉ phơi nứt chân chim. Không nên phơi ao quá lâu tạo ra những vết nứt lớn, tạo điều kiện oxy hóa Pyrit sắt, khi cấp nước vào ao hàm lượng FeS2 này sẽ được giải phóng tạo ra phèn đỏ rất khó để xử lý.

Hãy liên hệ với chúng tôi qua Hotline 0967 737 626 để được tư vấn và hỗ trợ tận tình. Chúc bà con vụ mùa bội thu!

Tags : ao tôm bị nhiễm phèn, Tôm bị phèn đóng mang, Xử lý phèn trong ao nuôi tôm,
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: